/Việc du học sinh cần làm khi đặt chân đến Hàn Quốc là gì?
những việc cần làm của du học sinh khi đặt chân đến Hàn Quốc

Việc du học sinh cần làm khi đặt chân đến Hàn Quốc là gì?

Khi vừa đến Hàn Quốc theo các chương trình du học, du học sinh thường khá bỡ ngỡ không biết nên làm gì? Đến một đất nước mới, một ngôi trường mới cần phải làm những giấy tờ cần thiết gì? làm như thế nào và ở đâu là thắc măc của nhiều du học sinh. Trong bài viết dưới đây Duhochanquocaz sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi này!

những việc cần làm của du học sinh khi đặt chân đến Hàn Quốc

Du học sinh cần làm thủ tục nhập phòng kí túc xá

Du học sinh lúc mới sang thường đăng kí ở kí túc xá ít nhất là 3-6 tháng đầu, nên lúc mới sang thì du học sinh Hàn Quốc cần phải làm thủ tục nhập phòng kí túc xá trước. Nói là thủ tục nhưng thực ra khá đơn giản, bạn chỉ cần đến phòng quản lí kí túc xá (기숙사관리실) trình diện, đưa ra hộ chiếu và hóa đơn đã nộp tiền kí túc xá (giấy này trung tâm du học sẽ có nhiệm vụ chuẩn bị cho bạn), nhận thẻ phòng hoặc mã số bí mật của phòng (bên Hàn phần lớn sử dụng khóa từ) là sẽ được nhập phòng.

Làm các giấy tờ tùy thân cần thiết

Các giấy tờ cơ bản nhưng cực cần thiết mà du học sinh Hàn Quốc cần làm như: chứng minh thư người ngoại quốc (외국인등록증), sổ ngân hàng (은행통장), thẻ sim điện thoại.

Chứng minh thư người ngoại quốc

Chứng minh thư người ngoại quốc (외국인등록증): là giấy tờ tùy thân quan trọng nhất của bạn tại Hàn Quốc, đăng kí tại cục quản lí xuất nhập cảnh khu vực bạn theo học. Trước khi đến bạn cần đặt lịch hẹn trên trang web của cục quản lí xuất nhập cảnh trước tại trang web, có thể tự đặt lịch hoặc đến văn phòng trường nhờ đặt lịch giúp. Sau đó chuẩn bị các giấy tờ sau:

1/ Hộ chiếu.
2/ 2 ảnh 3,5×4,5cm.
3/ Giấy xác nhận đang theo học tại trường (재학증명서) – giấy này văn phòng trường sẽ cấp cho bạn.
4/ Giấy khám lao phổi (건강진단서(결핵) – nơi khám sẽ do văn phòng trường chỉ dẫn cho bạn/ phí khám sức khoẻ rất rẻ, chỉ tầm 1,500 – 2,000 won).
5/ Phí đăng kí: 30.000 won.
6/ Giấy đăng kí (신청서) giấy này có sẵn tại cục quản lí xuất nhập cảnh.

Bạn nên có mặt trước giờ hẹn 15 phút để viết giấy đăng kí và ổn định chỗ chờ đến lượt. Thời gian nhận được chứng minh thư là khoảng 2 tuần kể từ ngày đăng kí (thời gian cụ thể có ghi trên giấy hẹn).

Lưu ý: khi có chứng minh thư, du học sinh Hàn Quôc phải nhớ luôn mang theo bên mình đề phòng trường hợp cảnh sát “hỏi thăm” mà bạn không mang theo thì sẽ bị phạt tiền dù do bất cứ lí do gì đấy nhé!

Sổ ngân hàng

Sổ ngân hàng (은행통장) quan trọng không kém, vì lúc mới sang mọi người thường mang theo tiền mặt để chi tiêu thời gian đầu (tối thiểu 1000$ tùy điều kiện học sinh). Mang theo số tiền mặt lớn như vậy trong người khá nguy hiểm, vì vậy bạn nên làm sổ ngân hàng kèm thẻ check (thẻ có chip để quẹt khi thanh toán) để việc sử dụng cũng như cất giữ tiền được an toàn hơn.

Làm sổ ngân hàng khá đơn giản, chỉ cần có chứng minh thư người ngoại quốc hoặc hộ chiếu là bạn có thể mở tài khoản ngân hàng được rồi. Khi làm sổ nhớ nhờ người làm thủ tục cho bạn đăng kí thêm dịch vụ internet banking để quản lí chi tiêu ngay qua tin nhắn SMS và tích hợp thẻ giao thông (tàu điện ngầm, xe bus) sẽ không cần phải mua thẻ giao thông và nạp tiền nữa mà sử dụng luôn thẻ ngân hàng để giao dịch đi lại được luôn.

Sổ ngân hàng thường được lấy ngay.

Làm thẻ sim điện thoại

Về cơ bản giống như Việt Nam. Tuy nhiên mỗi người chỉ được đăng ký 1 số điện thoại của mỗi nhà mạng (Hàn Quốc có 3 nhà mạng) dựa vào số đăng ký trên chứng minh thư người ngoại quốc.

1/ Thuê bao trả trước

Để làm thẻ sim điện thoại thuê bao trả trước bạn cần chứng minh thư người ngoại quốc. Bạn mua một lần và đăng ký 1 số thuê bao, mỗi tháng bạn phải nạp thẻ để duy trì tình trạng hoạt động của thuê bao đó (tối thiểu 10.000 won). Giá cước thường cao hơn so với thuê bao trả sau và 1 số dịch vụ không sử dụng được.

2/ Thuê bao trả sau

Để làm thẻ sim điện thoại thuê bao trả trước bạn cần chứng minh thư người ngoại quốc và sổ ngân hàng. Khi dùng thuê bao trả sau bạn được hưởng lợi là mua máy với giá rẻ, ở nhiều thời điểm có máy miễn phí; giá cước rẻ hơn so với thuê bao trả trước. Tuy nhiên bạn phải ký hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ (thường là 24 tháng) và chịu mất một số tiền ban đầu (khai thông mạng, đóng bảo hiểm, dùng internet …). Khi đăng ký thuê bao trả sau bạn bắt buộc phải có sổ ngân hàng.

Một số lưu ý:

  • Nếu bạn có nhu cầu sử dụng điện thoại nhiều (gọi điện, sử dụng 3G 4G), đặc biệt là liên lạc trong nội bộ Hàn Quốc thì bạn nên dùng thuê bao trả sau. Còn nếu bạn sử dụng không nhiều và muốn kiểm soát tốt được mức cước sử dụng thì có thể dùng thuê bao trả trước.
  • Cùng một loại máy khi bạn mua với hợp đồng thuê bao trả sau sẽ rẻ hơn so với thuê bao trả trước.
  • Chỉ một số loại Visa mới đăng ký được thuê bao trả sau (trong đó bao gồm cả visa du học).
  • Nên đăng ký thanh toán cước qua sổ ngân hàng, nếu không cuối tháng bạn sẽ phải đến cửa hàng của nhà cung cấp dịch vụ để đóng tiền, hoặc tự chuyển khoản qua ATM.
  • Nếu bạn phá hợp đồng (ngừng sử dụng trong thời gian hợp đồng còn hiệu lực) thì phải bồi thường một số tiền theo qui định trong hợp đồng.

Vấn đề bảo hiểm y tế

– Ngoài ra, bạn cũng cần quan tâm về vấn đề bảo hiểm y tế. Thường thì các bạn sẽ phải đóng khoản tiền phí bảo hiểm ngay từ khi ở Việt Nam (cùng với học phí và phí kí túc xá) nhưng cũng có một số trường yêu cầu chỉ đóng sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc, vì vậy hãy nhớ đến văn phòng trường để hỏi về bảo hiểm của bạn đã được thanh toán hay chưa. Bảo hiểm y tế sẽ chi trả lại cho bạn 80% chi phí thanh toán, vì vậy nếu bạn bị ốm và phải đến bệnh viện khám bệnh, hãy giữ lại hóa đơn và mang đến văn phòng trường để nhận lại tiền do bảo hiểm chi trả nhé.

Khám phá về trường Đại học của bạn

Lúc mới sang chắc hẳn du học sinh sẽ rất tò mò không biết ngôi trường của mình sẽ như thế nào? “Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một thử”. Trước kia bạn đã từng rất nhiều lần tìm kiếm ngôi trường này những bây giờ là lúc bạn được đứng trong khuôn viên thì đương nhiên là một cảm giác hoàn toàn khác biệt. Bây giờ đây bạn tha hồ khám phá nhé!

Dành một chút thời gian khám phá khuôn viên trường

Các trường học ở Hàn Quốc thường khá rộng lớn, nên nếu không cẩn thận bạn có thể bị lạc đường ngay cả khi đi dạo ngay trong khuôn viên trường (bản thân ad đã từng bị lạc khi mới lơ ngơ vào trường ㅠㅠ). Vì vậy những anh chàng/cô nàng du học sinh Hàn Quốc hãy tìm kiếm bản đồ trường và chụp lại để nắm rõ được đường đi lại cũng như biết được những địa điểm có trong trường giúp sinh hoạt thuận tiện hơn.

Thường trong các trường học sẽ có hiệu sách hoặc cửa hàng văn phòng phẩm nơi bán sách giáo trình và các vật dụng học tập cần thiết, căn tin dành cho sinh viên (đồ ăn khá rẻ), các cửa hàng tiện lợi, quán cà phê… Ngoài ra một số trường còn trang bị phòng tập gym với trang thiết bị khá đầy đủ ngay trong kí túc xá (miễn phí) vậy nên du học sinh hãy dành thời gian tìm hiểu về những tiện nghi mà bạn được quyền hưởng nhé.

Chương trình giáo dục tiếng Hàn tại Hàn Quốc

Du học sinh Hàn Quốc được phép học chương trình này tối đa 2 năm (chia làm 8 kì học, mỗi kì dài 2 tháng 10 ngày, sau khi kết thúc 1 học kì du học sinh Hàn Quôc sẽ được nghỉ ngơi khoảng 20 ngày trước khi vào học kì mới – bạn có thể tranh thủ đi làm thêm ngắn hạn vào thời gian này).

Mỗi trường học đều có điều kiện tiêu chuẩn về điểm chuyên cần và thành tích học tập để xét duyệt xem du học sinh đó có đủ điều kiện lên lớp hay tiếp tục theo học tại trường được không, thường mức điểm trung bình tối thiểu sẽ là 70 điểm/ học kì (trên thang điểm 100), điểm chuyên cần yêu cầu đạt trên 80%. Có rất nhiều trường hợp điểm thành tích cao nhưng điểm chuyên cần không đủ điều kiện hoặc ngược lại điểm chuyên cần cao nhưng điểm học tập thấp nên buộc phải chuyển trường, có thể tệ hơn nữa là phải về nước hoặc ra bất hợp pháp nếu không có trường nào nhận hồ sơ của bạn nên hãy cẩn thận với điểm số của bạn, đừng chủ quan, bạn sẽ không có cơ hội khác để làm lại đâu.

Lời kết

Như bạn đã biết, Visa du học tiếng Hàn tối đa 2 năm, nhưng chứng minh thư người ngoại quốc (외국인등록증) của bạn lại chỉ có thời hạn từ 3-6 tháng mà thôi. Vậy nên bạn cần để ý thời hạn của mình để đi gia hạn kịp thời. Thời hạn gia hạn 3 hoặc 6 tháng sẽ phụ thuộc vào việc bạn đóng tiền học ở trường 1 hay 2 học kì. Thường mọi người sẽ đóng tiền 2 học kì/ lần để đỡ phải đi gia hạn nhiều lần và cũng đỡ tốn kém hơn (mỗi lần gia hạn sẽ mất 60k won – 1 triệu 200k vnđ). Và với cmt có thời hạn dài hơn cũng sẽ dễ dàng hơn nếu bạn cần làm thủ tục giấy tờ gì đó, ví dụ như mở tài khoản ngân hàng, đăng kí số điện thoại.

Nếu còn câu hỏi nào về những kinh nghiệm du học, du hoc sinh Hàn Quốc có thể comment bên dưới để được Duhochanquocaz giải đáp nhé!